Tuesday, March 19, 2024
HomeAn Ninh Lương ThựcBảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông thôn

Bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông thôn

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những trận thiên tai, lũ lụt đang khiến cho an ninh lương thực nhiều vùng bị đe dọa, tác động trực tiếp đến tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ.

Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển 2017” (diễn ra từ 16 đến 23/10) do Bộ Y tế phát động có chủ đề “Bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông thôn: Nền tảng để giảm suy dinh dưỡng bền vững”.

Bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông thôn - 1

Với một nước có nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp như Việt Nam, những tác động tiêu cực của thời tiết, thiên tai, biến đổi khí hậu (BĐKH) đến khu vực nông thôn là những nguyên nhân cơ bản làm ảnh hưởng lớn đến an ninh lương thực (ANLT) quốc gia. Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong năm 2016, thiên tai đã làm 264 người chết và mất tích; 5.431 nhà bị đổ, sập, trôi; 364.997 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 828.661 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại… Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 39.726 tỉ đồng. Khi thiên tai xảy ra, bên cạnh những tổn thất rất nặng nề về người và của, nhiều vùng, nhiều người đã lâm vào cảnh bị cô lập, bị đói, bị bệnh tật và suy dinh dưỡng. Ở những vùng như miền núi phía Bắc, ven biển miền Trung, Tây nguyên… là những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của tình trạng BĐKH, thì khả năng tiếp cận với thực phẩm cần thiết trở thành nỗi lo canh cánh của mỗi người, mỗi nhà.

Các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng quốc gia cũng chỉ rõ: Khi tình trạng ANLT không được bảo đảm, sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến khẩu phần ăn của trẻ cũng như giảm sút chất lượng của các dịch vụ chăm sóc về dinh dưỡng, y tế. Mất ANLT, người dân phải đối mặt với gánh nặng về sinh kế, thậm chí phải di cư ra các khu đô thị để kiếm việc làm. Do đó, trẻ em không chỉ bị ảnh hưởng bởi sự thiếu thốn về lương thực, mà còn bị ảnh hưởng bởi thiếu sự chăm sóc của bố mẹ, thiếu nước sạch để sinh hoạt, điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo, tỉ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng tăng lên; từ đó làm cho tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng của trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ở nước ta, nghèo đói và thiếu kiến thức về dinh dưỡng là hai nguyên nhân của suy dinh dưỡng ở trẻ em, sự chênh lệch về giàu- nghèo giữa các vùng, các nhóm dân cư, các khu vực là nguyên nhân của tình trạng chênh lệch về suy dinh dưỡng. Theo số liệu năm 2016, tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi là 24,3%, thể nhẹ cân là 13,8%. Tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhẹ cân ở khu vực nông thôn, đặc biệt là các xã nghèo cao hơn so với khu vực thành thị. Nhiều phụ nữ trước khi lập gia đình, trước khi sinh con chưa được trang bị kiến thức cơ bản về dinh dưỡng, điều đó dẫn đến những hạn chế, bất cập trong việc chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho phụ nữ có thai dẫn đến trẻ sinh ra dễ bị suy dinh dưỡng bào thai; hạn chế kiến thức về nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ ăn bổ sung, theo dõi sự phát triển của trẻ… dẫn đến có những thực hành dinh dưỡng chưa đúng, góp phần làm cho trẻ dễ bị rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng, kém phát triển.

Để đảm bảo ANLT, góp phần giảm đói nghèo và nâng cao dinh dưỡng cho người dân, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều ngành, đặc biệt là giữa ngành Y tế và ngành Nông nghiệp trong việc hướng dẫn người dân về k‎ỹ thuật canh tác phù hợp, phát triển VAC gia đình, đưa giống mới và kỹ thuật mới vào trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi mô hình canh tác truyền thống một cách phù hợp, thích ứng với tình hình BĐKH. Hướng dẫn người dân về quy trình sản xuất, canh tác an toàn, chú trọng công tác bảo quản và chế biến sản phẩm sau thu hoạch, nhằm giảm thất thoát và tăng cường cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, giàu dinh dưỡng, cải thiện chất lượng bữa ăn của người dân. Tăng cường truyền thông về ý thức trách nhiệm, đạo đức kinh doanh, chế biến lương thực, thực phẩm phải gắn liền với ý thức đảm bảo sức khỏe người dân, sức khỏe cộng đồng.

Bên cạnh đó, cần hướng dẫn các gia đình thực hiện chăm sóc dinh dưỡng sớm trong 1.000 ngày đầu đời, giúp trẻ phát triển tối ưu cả về thể chất, trí tuệ và tầm vóc khi trưởng thành. Tăng cường hoạt động thể lực để phòng chống thừa cân béo phì; hạn chế ăn mặn. Chủ động ứng phó với thiên tai, bảo đảm chăm sóc dinh dưỡng hợp lý trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, trong đó cần ưu tiên cho trẻ em và phụ nữ.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here