Thế nào là phát triển bền vững trong nông nghiệp – P1

Trong note này mình sẽ chia sẻ một số suy nghĩ của mình về nông nghiệp bền vững. Đây không phải là một nghiên cứu hay một bài báo, chỉ là suy nghĩ của mình, nên nó mang góc nhìn cá nhân. Nếu có bình luận hay góp ý các bạn cứ đóng góp để có thêm nhiều cách nhìn khách quan.

Những năm gần đây chúng ta thường nghe nhiều tới cụm từ “Phát triển bền vững”, cụm từ này cũng được sử dụng trong nhiều bối cảnh và lĩnh vực khác nhau, một trong số đó là “phát triển nông nghiệp bền vững”. Vậy chúng ta hiểu về phát triển “nông nghiệp bền vững” như thế nào? Theo một định nghĩa sinh thái học về nông nghiệp bền vững của giáo sư Stephen R. Gliessman tại ĐH UCSC thì nông nghiệp bền vững có nghĩa là “một hệ thống có liên quan và tác động tới quá trình sản xuất lương thực thực phẩm, nuôi trồng làm cân bằng tính ổn định của môi trường, tính phù hợp xã hội, và tính khả thi về kinh tế giữa các nhân tố, cả về chiều rộng lẫn chiều dài (tức là nhiều đối tượng cùng tham gia và nhiều thế hệ cùng tham gia)”. Rộng hơn nữa, hệ sinh thái nông nghiệp phát triển bền vững là khi chúng ta duy trì được nền tảng tài nguyên thiên nhiên trong đó, phụ thuộc rất ít vào những sản phẩm nhân tạo đưa từ bên ngoài hệ sinh thái vào, quản lý dịch bệnh và sâu hại thông qua những cơ chế điều tiết nội bộ, và hệ sinh thái đó cần được hồi phục sau những xáo trộn (thậm chí tổn thương) gây ra bởi quá trình canh tác và thu hoạch.

Thế nào là phát triển bền vững trong nông nghiệp - P1 - 2

Nói một cách đơn giản, nông nghiệp bền vững là một chuỗi sản xuất lương thực, thực phẩm, cây trồng, vật nuôi trong đó người sản xuất sử dụng những kỹ thuật nông nghiệp giúp bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, đồng thời đối xử tốt với vật nuôi. Nông nghiệp bền vững giúp chúng ta có nguồn thực phẩm tốt cho sức khỏe mà không làm ảnh hưởng xấu đến những thế hệ sau này. Điều cốt lõi làm nên một nền nông nghiệp bền vững là tìm được sự cân bằng giữa nhu cầu sản xuất lương thực thực phẩm và việc bảo tồn hệ sinh thái môi trường. Đồng thời nông nghiệp bền vững cũng thúc đẩy ổn định kinh tế cho nông dân, giúp người nông dân có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Bởi vì nông nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới, khi mà có tới hơn 40% dân số thế giới làm việc trong ngành này (FAOStat 2011), việc đảm bảo phát triển bền vững và an ninh lương thực luôn là vấn đề cấp thiết đối với mọi quốc gia.

Nếu được có một sự lựa chọn trong tiêu dùng, ắt hẳn mỗi chúng ta đều lựa chọn những sản phẩm thiên nhiên nhất, không chứa hóa chất độc hại hay thuốc bảo vệ thực vật… Ngày nay, dựa trên những phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta được thấy nhiều ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào nông nghiệp. Nhiều lần chúng ta thấy những cánh đồng ngô trải dài cả trăm ngàn hecta, hay những ruộng cà rốt rộng lớn được thu hoạch bằng máy móc cỡ lớn, những “cánh tay” kim loại sải dài tưới nước cho rau màu, thậm chí họ sử dụng máy bay để phun thuốc diệt cỏ cho những cánh đồng… Theo thời gian, các trang trại canh tác ngày càng lớn hơn, chuyên môn hóa và thường chỉ tập trung vào 1-2 loại nông sản. Một mặt, nông nghiệp thương mại đem lại năng suất cao, tạo ra sản phẩm dồi dào, khiến cho giá thành sản phẩm rẻ; tuy nhiên mặt khác, phương thức canh tác này dựa trên những cách thức gây nguy hại tới môi trường và sức khỏe con người.

Nông nghiệp bền vững khác với nông nghiệp thương mại ở chỗ nông nghiệp thương mại sử dụng những kỹ thuật công nghiệp để áp dụng vào việc nuôi trồng và sản xuất (cả lương thực, rau màu lẫn gia súc). Nông nghiệp thương mại dựa nhiều vào các chế phẩm hóa học bảo vệ cây trồng, phân bón tăng trưởng, thức ăn gia súc, và nhiều loại hóa chất khác. Bởi vì, để đạt được năng suất lớn trên diện tích canh tác rộng, sẽ rất khó nếu chỉ sử dụng các phương pháp thiên nhiên thông thường. Trong khoảng 4-5 thập kỷ qua, chúng ta tiêu thụ nhiều những thực phẩm được canh tác theo phương pháp này, đặc biệt là tại các nước Âu Mỹ khi khoa học kỹ thuật phát triển mạnh. Cuộc cách mạng Xanh vào những thập niên 1940-1960 bên cạnh hiệu ứng về chuyển đổi nông nghiệp trên khắp thế giới, đã tạo cho những người làm trong lĩnh vực này lấy việc sử dụng các chế phẩm hóa học áp dụng vào canh tác để đạt hiệu quả năng suất cao nhất bất chấp việc những tồn dư về kim loại nặng hay hóa chất trong thực phẩm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng và tồn dư trong đất canh tác dẫn tới hệ lụy đối với đất đai ra sao. Tại Mỹ, những sản phẩm biến đổi gen được tạo ra và sử dụng rộng rãi, hai trong số những sản phẩm đó là ngô/bắp và đậu nành. Năm 1996 chỉ có 20% lượng ngô được trồng tại Mỹ là biến đổi gen thì tới năm 2012 con số đó lên tới 88% (theo Huffington Post 2012). Như vậy hãy làm một phép đếm, khoảng 4/5 sản phẩm được làm từ ngô – trực tiếp và gián tiếp – được bày bán và sử dụng tại Mỹ là sản phẩm biến đổi gen.

Tuy nhiên, do những tác động không tốt tới sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời tới môi trường của những phương thức canh tác nông nghiệp đó, nên trong những năm gần đây, nhiều người đã chú ý tới phương pháp thực hành nông nghiệp bền vững và thực hiện khá rộng rãi, và giờ đây phương pháp này dường như trở thành xu thế trong phát triển nông nghiệp tại nhiều quốc gia. Vậy, những phương pháp thực hành nông nghiệp bền vững là như thế nào và bao gồm những yếu tố gì?
Cảm ơn các bạn đã đọc tới đây. Note tiếp theo mình sẽ viết về các phương thức chính trong canh tác nông nghiệp bền vững và lợi ích của phương thức canh tác này. Nếu thấy note này có ích, rất mong các bạn chia sẻ.

Leave a Comment