Câu chuyện EU phạt “thẻ vàng” thủy sản Việt Nam, hay trước đó là 679 doanh nghiệp (DN) Việt bị hủy mã số kinh doanh nhập khẩu vào Mỹ (nhất là DN thủy sản, thực phẩm), khiến dư luận đặt dấu hỏi: ngoài trách nhiệm của cơ quan quản lý thì tiếng nói, vai trò hiệp hội ngành nông nghiệp ở đâu để cho DN chịu trận?
- Bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông thôn
- Thế nào là phát triển bền vững trong nông nghiệp – P1
- Thực phẩm biến đổi gen nguy hiểm đến mức nào?
Cuối tuần qua, tại Tp.HCM, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức hội nghị với các DN xuất nhập khẩu hải sản để bàn giải pháp khắc phục “thẻ vàng” của EU.
Vào giờ giải lao, phóng viên của kênh truyền hình thông tấn quốc gia đề nghị phỏng vấn về chủ đề này, nhưng ba vị lãnh đạo của VASEP đều từ chối trả lời dù không quá bận bịu.
Dấu hỏi VASEP
Ô hay, tại sao lại như vậy, trong khi các DN chế biến xuất khẩu thủy hải sản trong cả nước đang cần được VASEP tuyên truyền rộng rãi về vấn đề này thông qua phương tiện truyền thông.
Nên biết rằng đây là thời điểm “mất bò mới lo làm chuồng” của DN ngành thủy sản khi việc EU giơ “thẻ vàng” là chuyện đã rồi, mà lẽ ra, nếu có sự chủ động cảnh báo từ sớm của hiệp hội và cơ quan quản lý thì không phải để xảy ra tình cảnh như bây giờ.
Nhắc lại câu chuyện 679 DN Việt Nam bị hủy mã số kinh doanh nhập khẩu vào thị trường Mỹ được “mổ xẻ” vào tháng 9/2017 cũng cho thấy một mặt là sự chủ quan cập nhật thông tin từ phía DN, một mặt cũng đặt ra câu hỏi vai trò tuyên truyền, cập nhật để hỗ trợ DN của những hiệp hội DN ngành hàng, chẳng hạn như VASEP.
Đưa ra hai câu chuyện nhỏ trên để thấy rằng, còn rất nhiều vấn đề cần phải góp ý để tăng tính hiệu quả của các hiệp hội nông nghiệp hàng trong bối cảnh hội nhập với nhiều thách thức cho các DN.
Điều này cũng đã từng được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý, đó là trong bối cảnh hội nhập, các hiệp hội cần tập trung tham gia điều phối ngành hàng qua việc chứng nhận chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; tham gia xây dựng chiến lược phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, hỗ trợ DN trong quảng bá, xây dựng, bảo hộ thương hiệu cho nông sản Việt…
Có thể thấy, trong ngành nông nghiệp hiện nay có nhiều hiệp hội mà các DN trong ngành mong muốn cần thể hiện vai trò, trách nhiệm nhiều hơn để hỗ trợ cho DN.
Ví dụ như VASEP hay Hiệp hội Rau quả, Hồ tiêu, Chăn nuôi, Cà phê – Ca cao, Chè. Nếu chỉ nhìn vào những nông sản, vật nuôi chịu cảnh “giải cứu” như trong năm nay thì cũng sẽ thấy tính hiệu quả trong hoạt động của một vài hiệp hội trong ngành nông nghiệp vẫn còn những mặt hạn chế nhất định.
Hoặc như vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), những năm trước đã từng bị giới chuyên gia tỏ ý chê trách. Đó là hiệp hội này đã từng bỏ qua một số vai trò mà các hiệp hội ngành hàng phải tham gia, như: xây dựng chiến lược phát triển ngành hàng, xây dựng và quảng bá thương hiệu, phát triển và ổn định nguồn cung trong nước, mở rộng hội viên theo liên kết dọc nhằm kết nối hợp tác và phát triển theo chuỗi giá trị ngành hàng hiệu quả hơn…
Cần sự mạnh mẽ
Bên cạnh đó, thành viên của VFA chỉ tập trung vào các DN quy mô lớn và vừa, chưa đại diện cho tất cả các tác nhân sản xuất và kinh doanh trong chuỗi giá trị lúa gạo như đại diện của các địa phương sản xuất lúa gạo, đại diện DN nhỏ, nông dân, hợp tác xã.
Còn nhớ, cách đây hai năm, khi Việt Nam chuẩn bị bước vào nhiều sân chơi hiệp định thương mại tự do (FTA) mới hay Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, đã từng lưu ý vai trò, tiếng nói của các hiệp hội cần mạnh mẽ hơn, hỗ trợ, sát cánh với các DN nhiều hơn khi bước vào “cuộc chơi” chứ không chỉ ngồi lại với nhau chỉ nói chuyện cho vui.
Theo giới chuyên gia, đa phần hiệp hội ngành hàng tại các nước phát triển dành 70% công việc của họ cho giải quyết các vấn đề tranh chấp thương mại. Do đó, các hiệp hội cần nâng cao vai trò của mình nhằm tạo sự đồng thuận của các thành viên, đồng thời, nâng cao các yếu tố hoạt động chuyên nghiệp trên cơ sở luật thương mại trong nước và quốc tế.
Hơn nữa, trong bối cảnh mà ở nhiều thị trường chủ lực như EU hay Mỹ đang dựng lên những hàng rào kỹ thuật thì các DN xuất khẩu (đặc biệt như ngành nông, lâm, thủy sản) không thể đơn phương đối phó, mà cần có sự phối hợp chặt chẽ của hiệp hội nơi DN là thành viên.
Điều này đòi hỏi các hiệp hội ngành nghề nâng cao khả năng tư vấn, dự báo, khả năng nghiên cứu thị trường, làm tốt vai trò tham mưu cho cơ quan quản lý và các DN trong quá trình biến động của thị trường.
Bởi lẽ, nếu hoạt động hiệu quả, đúng chức năng thì các hiệp hội DN, hiệp hội ngành hàng sẽ có một vai trò cực kỳ quan trọng cho DN. Đặc biệt là tạo ra một cơ chế nhằm có thể liên kết một cách chặt chẽ các DN trong các ngành hàng và để đảm bảo hiệu quả lợi ích chung của nền kinh tế, cũng như bảo đảm được lợi ích của DN.