Tuesday, March 19, 2024
HomeAn Ninh Lương ThựcRobot – thế hệ nông dân mới của Nhật Bản?

Robot – thế hệ nông dân mới của Nhật Bản?

Với tình trạng già hóa dân số ngày càng đáng lo ngại, chính phủ Nhật Bản đã hướng tới ý tưởng sử dụng robot thay thế con người làm nông nghiệp để duy trì ổn định an ninh lương thực trong tương lai.

Tương lai của “Robot nông dân”

Nhật Bản đang đứng trước viễn cảnh phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu lương thực khi 65% nông dân nước này hiện hơn 65 tuổi còn thế hệ thanh niên lại không mặn mà với việc mưu sinh trên đồng ruộng. Bên cạnh đó, theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, diện tích đất nông nghiệp không được canh tác tại nước này đã tăng gấp đôi trong 2 thập niên, và đến hết năm 2015 con số này vào khoảng 420.000 ha.

Trước tín hiệu không mấy khả quan cho ngành nông nghiệp nước nhà, một công ty Nhật Bản có tên SPREAD đã tuyên bố về kế hoạch mở nông trại rau diếp do robot canh tác tại nước này từ giữa năm 2017. Theo đó robot sẽ là lực lượng lao động chính tại nông trại, thực hiện hầu hết các khâu từ tưới nước, bón phân cho tới thu hoạch. Hãng AFP đưa tin công việc duy nhất vẫn do con người đảm nhận tại nông trại robot của SPREAD là gieo hạt. Đại diện của SPREAD chia sẻ rằng nông trại robot sẽ giảm một nửa chi phí nhân công của công ty đồng thời tăng 25% sản lượng rau diếp thu hoạch.

Robot - thế hệ nông dân mới của Nhật Bản?
Một mẫu robot thu hoạch dâu của Nhật Bản.

Ngoài ra, tập đoàn Kubota, nhà sản xuất máy móc nông nghiệp lớn nhất Nhật Bản trong thời gian qua đã thiết kế mẫu máy cày tự hành đầu tiên. Với việc được trang bị hệ thống định vị toàn cầu (GPS), những máy cày có thể tự canh tác trên cánh đồng và bón phân sau khi kiểm tra chất lượng đất. Các công ty khác của Nhật Bản cũng đang trong cuộc đua sản xuất dạng máy cày và máy thu hoạch tương tự.

Không dừng ở đó, Kubota cũng phát triển và quảng bá thiết bị có thể đem theo như một chiếc balo giúp nông dân thu hoạch và vận chuyển rau, hoa quả…

Sự đồng tình từ chính quyền

Bộ trưởng Nông nghiệp các quốc gia thuộc nhóm G7 vào ngày 24/4 đã có cuộc họp tại tỉnh Niigata ở miền Bắc Nhật Bản lần đầu tiên trong 7 năm để bàn về lời giải cho bài toán nhu cầu lương thực ngày càng tăng trong khi những nông dân ở độ tuổi “về vườn” không có người kế nhiệm. Theo thống kê của Liên hợp quốc, độ tuổi trung bình của nông dân ở những nước phát triển hiện nay là 60.

Trong cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack đã cảnh báo rằng thế hệ nông dân có tuổi chia tay với đồng ruộng sẽ gây ảnh hưởng lớn tới tới khả năng sản xuất thực phẩm mà thế giới cần.

Bộ trưởng Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản Hiroshi Moriyama đã đề xuất ý tưởng về máy cày tự hành và robot. Đồng thời ông cũng tiết lộ rằng Nhật Bản đang lên kế hoạch dành 4 tỉ yên (tương đương 36 triệu USD) trong năm nay, bắt đầu từ tháng 3 này để thiết kế 20 loại robot “nông dân” và quảng bá nông trại tự động.

Makiko Tsugata, nhà phân tích cấp cao tại ngân hàng đầu tư An ninh Mizuho, nhận định: “Không có nhiều lựa chọn cho các nông dân có tuổi nếu họ muốn nâng cao sản lượng thu hoạch ngoài việc tận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Chính phủ cần tích cực ra tay giúp nông dân tiếp cận thêm nhiều công nghệ mới”.

Còn ông Takaki Shigemoto, nhà phân tích tại JSC Tokyo bổ sung: “Đem công nghệ mới đến với nông nghiệp sẽ giúp tăng sự thu hút của ngành này với thanh niên và khuyến khích họ trở về với đồng ruộng”.

Theo thống kê của chính phủ Nhật Bản, ngành nông nghiệp chỉ chiếm 1,2% GDP nước này trong năm 2013. Năm 2014, Nhật Bản có 1,7 triệu nông dân trong khi một thập niên trước đó con số này là 2,2 triệu người. Viện nghiên cứu Nomura gần đây đưa ra dự đoán rằng khoảng 50% công việc của Nhật Bản sẽ được thực hiện bởi các lao động robot trong năm 2035, hầu hết ở những ngành như dịch vụ, vận chuyển hàng hóa và nông nghiệp.

Theo: https://anninhluongthuc.com/robot-nong-dan-moi-cua-nhat-ban/

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here