Thị trường thuốc bảo vệ thực vật có hấp dẫn?

Dư địa thị trường thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) của Việt Nam rất lớn với quy mô mỗi năm ngành nông nghiệp nhập và sử dụng từ 70.000 – 100.000 tấn, đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp (DN) cùng “nhảy” vào chia sẻ “miếng bánh” thị phần hấp dẫn này…

Hiện cả nước có trên 200 doanh nghiệp thuốc BVTV, gần 100 nhà máy chế biến thuốc bảo vệ thực vật (chế biến được khoảng 50% lượng chế phẩm sử dụng trong nước, khoảng 30.000 – 40.000 tấn/năm) cùng với với khoảng 30.000 đại lý thuốc BVTV. Tuy nhiên, đáng lưu ý là thị phần lại phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc (các DN nhập nguyên liệu thuốc BVTV từ Trung Quốc chiếm 85-90%).

Thị trường thuốc bảo vệ thực vật có hấp dẫn? - 2

Quy mô thị trường ngày càng… “phình to”?

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, ước giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu trong 5 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 400 triệu USD (tương đương gần 9.000 tỷ đồng), tăng 41,1% so với cùng kỳ năm 2016. Nguồn nhập khẩu chủ yếu là từ Trung Quốc chiếm tới 53,4% tổng giá trị của mặt hàng này. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu của một số thị trường khác như Thái Lan, Hàn Quốc, Đức, Ấn Độ… Đáng nói, quy mô thị trường ngành BVTV dường như ngày càng “phình to” ra dù diện tích đất sử dụng trong nông nghiệp lại không hề tăng lên.

Theo thống kê, thị phần thuốc BVTV tại Việt Nam phân chia theo DN thì Lộc Trời đang chiếm lớn nhất với 20%; kế đến là VFG với khoảng 7,4%; HAI chiếm khoảng 5,5%; Lúa Vàng và Bayer cùng chiếm tỷ lệ ngang nhau khoảng 5,2%; Công ty ADC khoảng 4%; Công ty thuốc sát trùng Việt Nam (Vipesco) khoảng 3,7%; khoảng gần 200 DN còn lại chia miếng bánh 49% thị phần.

Cụ thể, con số thống kê cho thấy, trong giai đoạn từ 2008-2009, nhu cầu về thuốc BVTV của cả nước vào khoảng 50.000 tấn/năm, tương đương với giá trị khoảng 500 triệu USD thì đến giai đoạn hiện tại, quy mô giá trị thị trường ngành thuốc BVTV tăng lên khoảng 800 triệu USD với con số khoảng 70.000 – 100.000 tấn/năm.

Đặc biệt, quy mô ngành cũng tăng lên đáng kể khi giai đoạn 2008-2009, tại Việt Nam có khoảng 150 doanh nghiệp, 70 xưởng gia công thuốc BVTV thì đến hiện tại con số này đã là trên 300 (khoảng 200 DN thuốc BVTV và hơn 100 nhà máy gia công).

Tuy nhiên, tính chung toàn thị trường thì sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc chiếm khoảng gần 50% tổng nguồn cung và phân phối thông qua kênh bán hàng của hàng trăm doanh nghiệp, đại lý nhỏ. Phần còn lại của miếng bánh thị phần tập trung cho các DN nước ngoài như Syngenta (phân phối qua Lộc Trời và Công ty CP Khử trùng Việt Nam – mã VFG), Bayer và các DN sản xuất khá lâu năm trong nước như Công ty Nông dược HAI (mã HAI), Công ty BVTV Sài Gòn (mã SPC)…

 “Miếng bánh” hấp dẫn

Ngoài dư địa lớn, việc nhập khẩu nguyên liệu thuốc BVTV đang áp thuế ở mức 0% cùng với biên lợi nhuận gộp của ngành này khá hấp dẫn nên thị trường thuốc BVTV luôn là mảnh đất màu mỡ để các DN lao vào cuộc tranh đua mở rộng thị phần, tăng doanh số.

Tại Lộc Trời, năm 2016 DN này đã ghi nhận mức doanh thu đạt 7.783 tỷ đồng và lợi nhuận ròng đạt 347 tỷ đồng, lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu đạt 4.382 đồng. Mặc dù, tỷ lệ nhập hoàn toàn nguyên liệu vẫn chiếm tỷ trọng lớn với hơn 60% nên Lộc Trời vẫn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro về mặt tỷ giá và biến động giá nguyên liệu song theo chiến lược hoạt động, đến năm 2021, DN này phấn đấu đạt lợi nhuận sau thuế 65 triệu USD, vốn hóa 1 tỷ USD và thị phần mảng thuốc bảo vệ thực vật là 30% (hiện nay là 20%).

Được biết, biên lợi nhuận gộp các năm qua của Lộc Trời đối với ngành thuốc BVTV đều đạt mức trên 30%, cao nhất trong các DN cùng ngành.

Trong khi đó, tại Công ty cổ phần Nông Dược HAI, mỗi năm cũng thu hàng nghìn tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh thuốc trừ sâu, trừ cỏ. Theo báo cáo hợp nhất năm 2016, HAI ghi nhận tổng doanh thu đạt 1.612 tỷ đồng, tăng 0,18% so với năm 2015, lợi nhuận là 77 tỷ đồng. Trong đó, kinh doanh từ thuốc BVTV chiếm tới 64,65% doanh thu. Đặc biệt, HAI đang mở rộng địa bàn hoạt động sang các nước láng giềng như Campuchia và Lào nhằm mở rộng khai thác tối đa thị trường trong nước và các nước lân cận.

Còn tại Công ty CP Bảo vệ Thực vật Sài Gòn, năm 2016, doanh thu thuần của DN này đạt 863 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp của DN này từ 22% (năm 2012) tăng lên qua các năm, đến thời điểm hiện nay là 26%. Hiện tại, DN này có 20 đơn vị trực thuộc trong và ngoài nước; với hơn 80 sản phẩm thuốc BVTV được phân phối ở 4 quốc gia Đông Nam Á. Bên cạnh đó DN còn cung cấp các sản phẩm phân bón cao cấp, giống cây trồng, nông cụ phục vụ cho sản xuất…Với hệ thống phân phối và dịch vụ rộng khắp trên cả nước với 17 Chi nhánh và 1.200 đại lý; 2 siêu thị nông nghiệp, 1 xí nghiệp sản xuất thuốc BVTV tại TP.HCM.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, Trung Quốc hiện là thị trường số 1 xuất khẩu thuốc trừ sâu, nguyên liệu thuốc trừ sâu sang Việt Nam với quy mô trung bình khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam chi khoảng 500 triệu USD để nhập khẩu. Trong số này, chiếm 48% là thuốc trừ cỏ (19.000 tấn), còn thuốc trừ sâu và trừ bệnh chiếm khoảng 32% (16.400 tấn), ngoài ra còn một lượng thuốc điều hòa sinh trưởng, khoảng 900 tấn.

Tuy nhiên, cần lưu ý là các DN Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu BVTV về không chỉ để sử dụng ở Việt Nam mà còn phối trộn, sang chai đóng gói và xuất đi các nước khác như Campuchia, Lào, Myanmar, Singapore, Philippines… chứ không phải chỉ để sử dụng toàn bộ cho đồng ruộng Việt Nam.

Đó cũng là một trong những nguyên nhân lý giải vì sao Việt Nam nhập ngày càng nhiều nguyên liệu, thuốc BVTV.

>>> Thực phẩm biến đổi gen là gì – Nên hay không nên ăn?

Leave a Comment