An ninh lương thực: Sản lượng lương thực Trung Quốc giảm vì biến đổi khí hậu

An ninh lương thực: Một chuyên gia nông nghiệp hàng đầu của Trung Quốc cảnh báo biến đổi khí hậu có thể làm giảm 10% sản lượng lương thực của nước này trong vòng 20 năm tới.

Nông dân Trung Quốc thu hoạch lúa. Ảnh: nytimes.com.
Nông dân Trung Quốc thu hoạch lúa. Ảnh: nytimes.com.

Hồi tháng 9 chính phủ Trung Quốc thành lập dự án nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động sản xuất lương thực của Trung Quốc trong 20 năm qua. Dự án được tiến hành tại 11 cơ sở nghiên cứu. Tang Huajun, phó viện trưởng của Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, là người chỉ đạo dự án. Trả lời phỏng vấn của báo China Daily về tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu đối với sản lượng lương thực hôm 5/11, ông Tang khẳng định sản lượng sẽ giảm từ 5 tới 10% trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2030.

“Tổng sản lượng của ba loại ngũ cốc chính – gồm gạo, lúa mì và ngô – có thể giảm tới 37% trong những năm tới nếu chính phủ không thể tiến hành các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn tác độngcủa biến đổi khí hậu”,China Daily dẫn lời ông Tang.

Trung Quốc sản xuất 530,8 triệu tấn ngũ cốc trong năm 2009. Chính phủ vừa đề ra chỉ tiêu tăng sản lượng lên 550 triệu tấn trước năm 2020 để đảm bảo an ninh lương thực cho 1,3 tỷ người.

AFP cho biết, trong một báo cáo gần đây, tổ chức Greenpeace cho rằng Trung Quốc sẽ không có đủ lương thực để đáp ứng nhu cầu của người dân vào năm 2030 và sản lượng lượng thực có thể giảm tới 23% trước năm 2050.

“Nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và một số hậu quả tiêu cực đã trở nên rõ ràng do sự gia tăng nhiệt độ và thiếu nước trong 10 năm qua”, ông Tang nói.

Hạn hán là hiểm họa lớn nhất của các cánh đồng tại Trung Quốc. Theo tính toán của Tang, Trung Quốc mất từ 15 tới 25 triệu tấn ngũ cốc – tương đương 4 tới 8% tổng sản lượng hàng năm – từ năm 1995 tới 2005. Các thiên tai khác như lũ lụt, mưa đá và bão cũng làm giảm sản lượng lương thực.

Leave a Comment