An ninh lương thực: Nông nghiệp ĐBSCL cần thích nghi với điều kiện sản xuất mới

Là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước, đồng bằng sông Cửu Long đang đối diện trước những thách thức của tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp của vùng phải nhanh chóng triển khai những giải pháp để thích nghi với điều kiện sản xuất mới, làm tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và là trung tâm xuất khẩu nông nghiệp lớn của cả nước.

Diễn biến bất thường

Hàng năm, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cung cấp hơn 50% sản lượng lúa, 70% lượng trái cây, đóng góp hơn 90% số lượng gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cho cả nước. Tuy nhiên, vùng ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) đang tác động ngày càng lớn.

Nông nghiệp ĐBSCL cần thích nghi với điều kiện sản xuất mới

Theo dự báo của các nhà khoa học, 15 năm nữa ĐBSCL sẽ có tới 45% diện tích đối mặt với nguy cơ nhiễm mặn. Nếu mực nước biển dâng 1 mét thì khoảng 39% diện tích vùng ĐBSCL nguy cơ bị ngập, gần 35% dân số bị ảnh hưởng và có khoảng 70% diện tích lúa bị nhiễm mặn, theo từng giai đoạn thì năng suất lúa dự báo sẽ giảm từ 15 – 20% vào năm 2030, tình hình đánh bắt thủy hải sản sẽ suy giảm ngày càng khó lường.

Đó là “bức tranh” ảm đạm trong tương lai, ngay tại thời điểm hiện tại tình hình BĐKH đã và đang hiện diện rất rõ nét, tác động rất mạnh mẽ đến đời sống của nhân dân, gây thiệt hại trực tiếp đến ngành nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Đợt xâm mặn vào tháng 7 vừa qua tại một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL là hiện tượng bất thường và điều này chưa từng xảy ra trong vùng 20 năm qua đã minh chứng cho điều đó.

Theo quy luật hàng năm, tại các tỉnh vùng ĐBSCL, tình hình xâm nhập mặn chỉ diễn ra vào mùa khô, từ tháng 2 đến tháng 5. Thế nhưng đợt xâm nhập mặn vừa qua giữa mùa mưa ở ĐBSCL đã khiến các cơ quan chức năng và ngành nông nghiệp “trở tay không kịp”. Tại tỉnh Hậu Giang, nước mặn xâm nhập khiến cho 12.000 ha lúa vụ 3 không thể gieo trồng, hàng nghìn ha cây ăn trái giảm năng suất. Còn tại tỉnh Kiên Giang nhiều diện tích lúa, tôm đã bị thiệt hại, nhiều nhất là ở các huyện: Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành… lên đến chục ngàn ha.

Tình hình thiếu nước ngọt sinh hoạt gay gắt cũng diễn ra ngay vào cao điểm giữa mùa mưa. Theo đó, thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) đã bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng do tình hình thủy văn trên kênh Rạch Giá – Long Xuyên diễn biến phức tạp, làm cho nguồn nước ngọt từ thượng lưu đổ về Kiên Giang rất yếu. Đồng thời, triều cường dâng cao và gió Tây Nam đã đẩy nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng hàng chục km khiến các nguồn cung cấp nước cho các nhà máy của Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước Kiên Giang không thể sử dụng được. Theo nhận định của các chuyên gia ngành môi trường tác động xấu của BĐKH đang ở tần suất rất cao. Điều này cho thấy tình hình thời tiết, thiên tai diễn ra ngày một phức tạp.

Cảnh báo của các chuyên gia cho thấy, thời điểm càng về cuối năm, tình trạng mưa bão, nước dâng cao với cường độ ngày càng tăng gây thiệt hại đến sản xuất, tài sản, tính mạng người dân và rừng phòng hộ ven biển bị tàn phá nặng nề. Theo quan trắc, khảo sát mực nước biển các năm gần đây cho thấy, đỉnh triều cường năm sau đều cao hơn năm trước và kèm theo đó là thiệt hại cũng tăng theo. Trong khi đó hệ thống đê biển, đê sông chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, thích ứng với BĐKH.

Dốc sức bảo vệ ngành nông nghiệp

Nhận rõ những tác động tiêu cực của BĐKH, ngành nông nghiệp, địa phương vùng ĐBSCL đã triển khai nhiều chương trình hành động thực hiện Nghị Quyết số 24/NQ-BCH TW Đảng khóa 11 về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đem lại những hiệu quả đáng ghi nhận.

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ các tỉnh trong vùng hiện nay đang tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với BĐKH bằng việc triển khai phát triển, nhân rộng mô hình các giống cây con, lúa chịu mặn, bố trí lại mùa vụ, thay đổi hệ thống canh tác cho phù hợp; tranh thủ các nguồn kinh phí để đầu tư củng cố, nâng cao hệ thống đê biển, đê sông, cống, đập ngăn mặn trữ ngọt; từ các chương trình hỗ trợ của các dự án của các tổ chức để vừa hỗ trợ sinh kế cho nhân dân vùng lũ, ven biển và quan trọng nhất là phát triển lại hệ thống rừng phòng hộ.

Trung tâm Giống cây trồng Sóc Trăng đã bố trí 90 loại giống sạ trên nền đất nuôi tôm để khảo nghiệm, chọn ra những giống phù hợp cho vùng tôm – lúa và một số vùng nhiễm mặn khác của tỉnh. Các điểm khảo nghiệm các giống lúa chịu mặn là mô hình trình diễn thiết thực để nông dân đánh giá, rút kinh nghiệm và chọn cho mình giống lúa thích nghi ở địa bàn nuôi tôm bán thâm canh ở Mỹ Xuyên mà ngành nông nghiệp Sóc Trăng đang hướng tới trước điều kiện BĐKH, nước biển dâng cao.

Còn ngành nông nghiệp Bạc Liêu đã tổ chức hướng dẫn người trồng lúa ứng dụng nhiều cách làm mới trong gieo trồng lúa bằng các biện pháp như “1 phải 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng” hay sản xuất lúa theo hướng VietGAP… Đồng thời triển khai thực hiện nhiều dự án, công trình ứng phó với BĐKH. Trong đó, đầu tư 101 dự án, công trình ưu tiên để hạn chế mức thấp nhất tác động của BĐKH, nhất là nước biển dâng. Đến nay, tỉnh đã triển khai thực hiện 16 dự án giai đoạn 2012 – 2020 với nguồn kinh phí hơn 3.338 tỷ đồng. Điển hình như công trình kè Nhà Mát, kè sông Bạc Liêu, kè Gành Hào và trồng rừng phòng hộ…

Về tổng thể, Bộ NN&PTNT cũng đã phê duyệt quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 ở vùng ĐBSCL. Đây sẽ là khung hành động để phát huy lợi thế của vùng, tiểu vùng và từng địa phương để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững, ứng phó hiệu quả với BĐKH. Theo đó, đến năm 2020, quy mô diện tích đất nông nghiệp vùng ĐBSCL là 3,25 triệu ha, trong đó đất lúa 1,82 triệu ha với đất chuyên trồng lúa là 1,7 triệu ha, luân canh lúa – màu 185.000 ha và lúa – thủy sản 240.000 ha. Diện tích trồng cây lâu năm 400.000 ha, trong đó vùng trồng cây ăn quả tập trung 185.000 ha gồm: cam, quýt, bưởi, xoài, sầu riêng, măng cụt, vú sữa, thanh long, nhãn, chôm chôm… Đất lâm nghiệp trên 330.000 ha, với rừng phòng hộ và rừng đặc dụng tổng diện tích gần 172.000 ha. Đất nuôi trồng thủy sản gần 543.000 ha, trong đó diện tích nuôi nước mặn, lợ hơn 507.000 ha và nước ngọt 35.600 ha, đất sản xuất muối 4.600 ha. Dự báo đến năm 2030, diện tích đất nông nghiệp bị ngập do nước biển dâng ở ĐBSCL là hơn 30.000 ha, diện tích đất lúa sẽ giảm khoảng 15.000 ha như vậy sẽ tăng diện tích đất nuôi trồng thủy sản lên 558.000 ha.

Leave a Comment