Viện Công nghệ sinh học trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là một Viện nghiên cứu đầu ngành về Công nghệ sinh học ở Việt Nam với đội ngũ các nhà khoa học được đào tạo chuyên sâu ở trong và ngoài nước về các lĩnh vực khác nhau của công nghệ sinh học hiện đại.
Hiện tại, Viện có 289 cán bộ bao gồm 3 giáo sư, 15 phó giáo sư, 70 tiến sỹ, 112 thạc sỹ, 90 cử nhân/ kỹ sư và kỹ thuật viên. Từ năm 2006 đến năm 2013, Viện Công nghệ sinh học (Viện CNSH) đã thực hiện một khối lượng lớn các nhiệm vụ KHCN với tổng cộng 287 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước; 119 đề tài cấp Bộ, 49 nhiệm vụ hợp tác quốc tế song phương cấp Nhà nước và cấp Bộ; 58 dự án sản xuất thử nghiệm; 314 hợp đồng KHCN hoặc nhánh, 332 đề tài cấp cơ sở.
Một số kết quả nghiên cứu nổi bật và một số sản phẩm đã được đưa vào ứng dụng trong sản xuất và đời sống mang lại hiệu quả kinh tế xã hội
(i) Một trong các hướng nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế là “Ứng dụng gen ty thể (mtDNA) trong giám định hài cốt liệt sỹ” đã được triển khai trong nhiều năm qua. Cho đến nay Viện CNSH đã giám định được hàng nghìn bộ hài cốt liệt sỹ và đã trả lại tên chính xác cho hàng trăm liệt sĩ vô danh. Theo Quyết định số 1237/QĐ-TTg ngày 27/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang phối hợp với Viện CNSH thực hiện đề án “Xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin trong việc giải mã ADN” và tiến hành xây dựng Phòng Xét nghiệm gen tiêu chuẩn ISO để có thể nâng quy mô giám định hài cốt liệt sỹ lên hàng nghìn bộ hài cốt mỗi năm.
(ii) Sản phẩm nổi bật của Viện CNSH trong những năm qua là đã nghiên cứu thành công “Công nghệ sản xuất Interleukin-2 tái tổ hợp của người dùng trong điều trị ung thư”, đặc biệt là ung thư biểu mô thận và ung thư da. Viện đã hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất Interleukin-2 tái tổ hợp trên dòng tế bào E. coli và kết hợp với Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1, Bộ Y tế để sản xuất Interleukin-2 ở điều kiện tiêu chuẩn GMP đạt chất lượng với quy mô 45000 liều. Viện CNSH đã được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho nghiên cứu này do Cục Sở hữu trí tuệ Bộ KHCN cấp năm 2013. Những kết quả này đã mở ra triển vọng sản xuất Interleukin-2 để điều trị bệnh nhân ở trong nước, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển các sản phẩm dược phẩm sản xuất tại Việt Nam.
(iii) Một trong những thành công của Viện là đã xây dựng kỹ thuật phát hiện và quy trình Công nghệ sản xuất vaccine phòng chống cúm A/H5N1 cho gia cầm và người. Viện đã tham gia tích cực vào việc xác định và giải mã gen của virus cúm A/H5N1 khi bệnh dịch bùng phát năm 2003 và 2004. Ngoài ra với đội ngũ cán bộ có trình độ cao về công nghệ gen, Viện đã giúp đào tạo và tham gia cùng các bác sĩ Bệnh viện Nhi TW Hà Nội xác định virus H5N1 trong các bệnh nhân tại bệnh viện. Bên cạnh đó, Viện đã xây dựng thành công quy trình công nghệ sản xuất vaccine phòng virus A/H5N1 trên cơ sở chủng virus vaccine của quốc tế và đã chuyển giao cho công ty sản xuất vaccine NAVETCO. Hiện nay NAVETCO đã được phép sản xuất vacxin này và đang được lưu hành trong chăn nuôi tại Việt Nam, tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng mỗi năm do không phải nhập khẩu vaccine nước ngoài.
(iv) Viện CNSH đã phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng Nam Định chọn tạo thành công giống lúa Nam Định 5 theo phương pháp nâng cao chất lượng bằng công nghệ tế bào với nguồn vật liệu khởi đầu là giống lúa Tám Xoan Hải Hậu. Với năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu tốt, trồng được cả vụ xuân và vụ mùa, giống lúa này đã được Bộ NN và PTNT công nhận và cho phép sản xuất thử nghiệm ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Thành công của nghiên cứu này góp phần giúp người dân tháo gỡ khó khăn trong khâu lựa chọn giống, phục vụ việc đa dạng hóa cơ cấu giống đảm bảo năng suất, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thực hiện các mục tiêu tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
(v) Viện CNSH đang hợp tác với Bộ tư lệnh hóa học để tẩy độc lô đất nhiễm chất độc hóa học chứa dioxin gần 4000 m3 tại Biên Hòa bằng công nghệ phân hủy sinh học. Sau 27 tháng xử lý bằng phương pháp phân hủy sinh học (bioremediation), đất nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã được làm sạch với lượng dioxin còn lại dưới mức cho phép đối với đất sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp. Kết quả được 3 phòng thí nghiệm của Hà Lan, Đức và Bộ Tài nguyên – Môi trường khẳng định. Phương pháp phân hủy sinh học này đã được cấp bằng độc quyền sáng chế vào năm 2012. Thuận lợi lớn nhất của phương pháp này là chi phí công nghệ chỉ bằng 5-10% công nghệ Mỹ đang áp dụng mà lại có tác dụng lâu dài trên phạm vi rộng. Viện CNSH sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động tẩy độc đất nhiễm dioxin bằng phương pháp này nhằm giảm thiểu sự ô nhiễm của các chất độc hóa học dioxin với chi phí xử lý ô nhiễm thấp.
Công trình khoa học: Số lượng các công trình công bố được tăng dần theo các năm. Kể từ năm 2011-2013, Viện đã công bố được 663 công trình trong đó có 184 bài báo quốc tế (94 bài SCI, 30 bài SCI-E, 60 bài có mã số ISSN hoặc ISBN) và 479 bài báo trong nước, 03 bằng sáng chế, 11 giải pháp hữu ích và 10 sách chuyên khảo.
Đào tạo: Viện đã đào tạo được hàng trăm nghiên cứu sinh và học viên cao học. Trong 3 năm gần đây (2011-2013), Viện đã đào tạo 25 tiến sỹ và 93 thạc sỹ được tốt nghiệp theo các Chương trình đào tạo và hàng trăm cử nhân đã thực hiện luận án tốt nghiệp tại Viện CNSH.
Hợp tác quốc tế: Viện có sự hợp tác lâu dài về nghiên cứu khoa học và đào tạo với nhiều Viện nghiên cứu và các Trường đại học ở các nước trên thế giới như Đức, Pháp, Mỹ, Canada, Nga, Thụy Điển, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Nguồn tin: Viện Công nghệ Sinh học
Xử lý tin: Quỳnh Trang