(Bảo vệ thực vật) Nghiên cứu của các nhà sinh thái học về biến đổi khí hậu đã nêu ra một cách chi tiết những loài cây ở Mỹ sẽ có thời gian khó khăn nhất để thích nghi khi cả thế giới nóng lên.
Patrick Jantz, thành viên nhóm nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Woods Hole (WHRC) cho biết: “Không còn nhiều rừng ở phía Đông Hoa Kì, có lẽ chỉ một vài phần trăm. Những cánh rừng trẻ, rừng mới trồng có xu hướng ít phức tạp về cấu trúc và có nhiều loài khác nhau”.
Mỹ đã phản đối việc phát triển quá độ bằng cách thiết lập quỹ đất cho các công viên quốc gia. Việc làm này có thể bảo vệ các vùng đất khỏi sự hủy diệt của con người về mức độ vật lý nhưng lại không bảo vệ những khu rừng khỏi sự thay đổi khí hậu toàn cầu.
Nhận thấy vấn đề này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng mô hình khí hậu để dự đoán những gì sẽ xảy ra với các quần thể cây trong các công viên khác nhau tại khu vực Appalachian của nước Mỹ.
Nhóm nghiên cứu tập trung cụ thể vào Khu vực Giải trí Quốc gia Delaware Water Gap (Pennsylvania and New Jersey), công viên Quốc gia Shenandoah (Virginia), vườn Quốc gia núi Great Smoky (North Carolina and Tennessee). Các kết quả này mặc dù không được áp dụng khắp mọi nơi nhưng nhóm nghiên cứu đã cung cấp một số nhận định hữu ích về loài cây nào sẽ phát triển mạnh và loài cây nào sẽ phải tranh đấu để tồn tại.
Để tìm hiểu xem những khu vực này sẽ thay đổi như thế nào trong tương lai, các nhà nghiên cứu đã sử dụng kết hợp các mô hình khí hậu. Họ giả sử rằng lượng khí thải carbon dioxide tiếp tục tăng ở mức hiện tại, từ 400 phần triệu lên 1370 phần triệu vào năm 2100. Sau khi thử nghiệm, họ nhận thấy rằng nếu điều này xảy ra nhiệt độ sẽ tăng lên 0.4 độ C mỗi thập kỉ cho đến năm 2040 và sau đó tăng lên 0.7 độ C sau năm 2040. Vì vậy, thời gian mỗi mùa sinh trưởng cho các loài cây sẽ dài hơn, mùa đông ngắn hơn và ấm hơn dẫn đến ít sương giá và có thể lượng mưa cũng giảm.
Khi thực hiện tính toán siêu tốc các con số, nhóm nghiên cứu đã vẽ được biểu đồ cho thấy điều kiện khí hậu sẽ thay đổi 40 loài cây hiện có trong vườn Quốc gia núi Great Smoky như thế nào.
Các loài như độc cần đông, phong đỏ, tùng miền Đông vốn ưa mát mẻ và ẩm ướt sẽ khó khăn để tồn tại khi khí hậu nóng hơn dẫn đến khô hơn. Mặt khác, một số loài cây lại sinh trưởng tốt như sồi sao, hồ đào màu đỏ và sồi blackjack do được hưởng khí hậu nóng, khô.
Biến đổi khí hậu có thể xóa sạch một số loài thực vật, khiến các loài cây không sinh hạt hoặc đơn giản là hạt của chúng không thể nảy mầm. Hơn nữa, thực vật không có khả năng di chuyển đến những vùng đất khác khi những yếu tố ngoại lai xâm nhập.
Brendan Rogers, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: “Nếu chỉ nhìn vào sự phù hợp của đất, đa số thực vật vẫn sống tốt. Nhưng khí hậu thay đổi quá nhanh, hạt giống không thể phân tán và cố định tại các vùng đất manh mún khiến cây không sinh hạt giống hoặc nảy mầm. Một số vùng có thể tốt cho sự phát triển của cây nhưng thực vật không thể tự di chuyển trừ khi có sự quản lý của con người”.
Nghiên cứu này sẽ được công bố trong cuốn sách mang tựa đề “Climate Change in Wildlands: Pioneering Approaches to Science and Management”, hy vọng rằng với những phát hiện và chiến lược đề ra có thể giúp chính quyền bảo tồn các loài cây gần gũi với chúng ta.