Bên cạnh những địa danh lịch sử, Điện Biên còn hấp dẫn du khách bởi những địa danh có cảnh quan hùng vĩ và gần gũi với thiên nhiên. Một số kinh nghiệm du lịch Điện Biên sau đây sẽ giúp bạn có thêm những hành trang cần thiết cho một chuyến đi bổ ích.
1. Cánh đồng Mường Thanh
Vào mùa lúa, cánh đồng Mường Thanh căng tràn sức sống, đẹp như một bức tranh vẽ với màu xanh non mơn mởn trải dài tít tắp hay màu vàng óng dưới nắng vào lúc lúa chín. Với diện tích 4.000 ha, trải rộng khắp lòng chảo Điện Biên Phủ, Mường Thanh được coi là cánh đồng lớn nhất vùng Tây Bắc, trở thành vựa lúa cho tỉnh Điện Biên. Nhiều du khách rất thích đến đây vào cuối tháng 9, khi mùa lúa chín rộ bởi nhìn từ trên cao, cánh đồng Mường Thanh như một thung lũng vàng với hương lúa thơm ngan ngát.
2. Hồ Pá Khoang
Với những thảm thực vật phong phú, rừng xung quanh hồ cùng những vườn hoa lan nở rực rỡ, hồ Pá Khoang rất thích hợp cho việc nghỉ dưỡng. Nếu thích một khung cảnh huyền hoặc, hãy đến vào mùa đông, sương mờ buông phủ quanh hồ tạo nên một phong cảnh mơ mộng.
Còn vào mùa hè, không khí trong lành, thoáng mát, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa ngắm mây trời non nước hay chèo thuyền du ngoạn, ngắm cảnh thiên nhiên tươi đẹp, quyến rũ khiến mọi ưu phiền như được bỏ lại phía sau. Không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, nơi đây còn hấp dẫn bởi những bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của nhiều dân tộc Thái, Khơ Mú…
3. Đèo Pha Đin
Nằm trên quốc lộ 6 từ Hà Nội đi Điện Biên, đèo được coi là ranh giới giữa hai tỉnh Sơn La và Điện Biên, được mệnh danh là “tứ đại đèo” của vùng Tây Bắc với chiều dài 32 km. Đây cũng là một trong những cung đường hiểm trở nhất Việt Nam. Pha Đin theo tiếng địa phương nghĩa là trời và đất, hàm nghĩa nơi đây là tiếp giáp giữa trời và đất.
Với độ cao hơn 1200 mét so với mặt nước biển, con đường vượt đèo khi lên dốc, lúc xuống dốc ngoằn ngoèo, chênh vênh với một bên là dốc núi dựng đứng, bên kia là vực sâu thăm thẳm. Vượt đèo Pha Đin là một hành trình ấn tượng mang lại cho du khách những trải nghiệm thú vị, nhất là những tay phượt, để khám phá thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ.
4. Động Pa Thơm
Cách trung tâm thành phố chừng 30 km, động Pa Thơm nằm ở lưng chừng núi, nổi tiếng là một động đẹp, được người dân nơi đây gọi là “hang nhiều nàng tiên hoa”, với những truyền thuyết, huyền thoại về tình yêu đôi lứa.
Qua con đường nhỏ, du khách sẽ nhìn thấy chính giữa lối vào động là một tảng đá khổng lồ giống như đầu voi đang rủ xuống. Động có 9 vòm lớn nhỏ, có nhiều nhũ đá mang những hình dáng sống động, màu sắc huyền ảo. Bên vách là những khối nhũ như những dòng thác lớn đang chảy, óng ánh đang chảy. Từ cửa động, phóng tầm mắt ra xa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, tận hưởng không khí trong lành, yên tĩnh. Động đã được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 2009.
5. Động Xá Nhè
Được coi là một trong những động đẹp nhất ở Điện Biên, nơi đây mang một vẻ đẹp kỳ bí, du khách đến đây như đang được lạc vào một nơi nguyên sơ thú vị. Với chiều dài 700 mét, động gồm có 5 khoang lớn nhỏ khác nhau, trên vòm là những khối đá rủ xuống lấp lánh với đường nét khi mềm mại, khi uyển chuyển như những thác nước. Từng khối thạch nhũ như đang tuôn chảy với vô số hạt kết dính lấp lánh. Dưới nền động là những rừng măng đá, nhũ đá muôn hình muôn vẻ với nhiều hình thù kỳ lạ, hấp dẫn du khách.
6. Cột mốc ngã ba biên giới A Pa Chải
Là một địa danh miền núi xa nhất phía Tây Bắc đất nước, A Pa Chải có cột mốc biên giới phân chia ranh giới giữa 3 nước Việt Nam – Lào- Trung Quốc, nơi một tiếng gà gáy, 3 nước cùng nghe.
Ngã ba A Pa Chải từ lâu đã được những người đam mê khám phá coi là một trong những điểm đến khó chinh phục và thú vị nhất bởi chặng đường lên cột mốc biên giới trên đỉnh vẫn còn rất hoang sơ, khó khăn và nguy hiểm. Đặt chân đến nơi đây, du khách sẽ ngạc nhiên xen lẫn tự hào trước vẻ đẹp phiêu bồng của vùng núi cao quanh năm mây phủ.
7. Chợ phiên vùng cao Tả Sìn Thàng
Ngôi chợ nhỏ, họp ngay ở thung lũng trung tâm của xã giữa bốn bề núi dựng, sương trắng giăng bồng bềnh. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng đầy đủ sắc màu Tây Bắc của một phiên chợ vùng cao giữa bốn bề là núi đá chênh vênh.. Đây không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, tụ họp mà còn là ngày hội của người dân nơi đây.
Với người Tây Bắc, đi chợ là đi chơi, là giao lưu, tìm hiểu bạn tình, chọn bạn đời nên không ai vội vã. Họ mặc những trang phục đẹp nhất, rực rỡ nhất xuống chợ. Nhộn nhịp nhất là mấy hàng bán đồ ăn như xôi, thắng cố. Chảo thắng cố sôi lục bục trên bếp lúc nào cũng tấp nập người vào ra, bên những bát rượu Mông Pê thơm lừng mang đậm nét văn hóa của vùng cao luôn hấp dẫn du khách khắp nơi