Góc Yêu Thương

Những điểm du lịch Bạc Liêu không thể bỏ qua

Những điểm du lịch Bạc Liêu không thể bỏ qua - 1

Du lịch Bạc Liêu không chỉ được thiên nhiên ưu đãi cho những bãi cát trắng mênh mông, núi non trùng điệp, bạt ngàn tràm, đước… mà còn là những địa danh khiến du khách phải muốn dừng chân. Thời xa xưa, người ta chỉ nghĩ vùng đất này giàu có, “sản sinh” ra những chàng công tử Bạc Liêu ăn chơi khét tiếng, thậm chí đến cả việc “đốt tiền nấu trứng” mà cũng làm được.

Đồng muối Bạc Liêu cũng là điểm đến du lịch hấp dẫn du khách

Tuy nhiên, giai thoại vẫn là giai thoại, những con người Bạc Liêu ngày nay “tay lấm chân bùn” cũng phải vất vả mưu sinh mới nên cơ nghiệp. Điều này đã khiến cho du lịch của Bạc Liêu càng thêm hấp dẫn du khách, không chỉ ở giai thoại năm nào mà còn là đời sống thường ngày của người dân, còn là quang cảnh hay những điểm đến thú vị.

Chùa Xiêm Cán

Nếu Quý khách muốn biết kiến trúc và phong cách của một ngôi chùa Khmer ở Bạc Liêu ra sao, hãy ghé vào thăm chùa Xiêm Cán. Ngôi chùa này cách thị xã Bạc Liêu khoảng chừng 7 cây số (cùng đường đi đến vườn chim Bạc Liêu). Ngôi chùa này có khuôn viên rất rộng, quang cảnh thoáng đãng và 2 màu chủ đạo là màu vàng với màu đỏ. Chùa Xiêm Cán cũng có cấu trúc và kiến trúc giống như các chùa của người Khmer ở Trà Vinh hoặc Sóc Trăng.

Tương truyền ngôi chùa này đã tồn tại hơn 1 thế kỷ. Khi đến đây Quý khách có thể phải ngạc nhiên vì lối kiến trúc chạm trổ cầu kỳ, phức tạp. Từ xa du khách đã có thể quan sát cổng chùa màu vàng, cao, sát mặt lộ với kiến trúc tinh vi, đặc sắc. Bên trên cổng có tạo hình 3 ngọn tháp kiểu Ăng-ko được trang trí bằng hình rắn nhiều đầu và được thợ điêu khắc tạo hình rất công phu. Từ cổng đi vào khuôn viên chùa tầm 100 mét. 2 bên đường đi thông thoáng, sạch sẽ, mát mẻ với 2 hàng cây trồng dọc theo đường đi. Chùa là quần thể kiến trúc gồm chính điện, sala (nhà hội của các sư sãi và tín đồ chuẩn bị trước khi đi ra chánh điện hành lễ), nhà ở của các sư sãi và tháp đựng hài cốt, am. Quý khách lưu ý khi vào chiêm bái ở chánh điện thì bỏ nón mũ, giày dép bên ngoài, “đi nhẹ nói khẽ”. Chùa là nơi thể hiện rõ nhất nét văn hóa tín ngưỡng, tập tục của người Khmer ở Bạc Liêu.

Khu du lịch Nhà Mát

Khu du lịch Nhà Mát thuộc phường Nhà Mát, thị xã Bạc Liêu. Đây là khu du lịch nghỉ mát, sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp với khu vui chơi giải trí lớn nhất ở vùng Bạc Liêu. Nổi bật trong đó có khu bãi tắm nhân tạo nằm trong khu du lịch Nhà Mát nằm ven bờ biển Bạc Liêu. Du khách đến đây đầu tiên sẽ ấn tượng với cổng vào khu bãi tắm hình con bạch tuộc nâng chiếc thuyền nhìn khá đẹp mắt. Ở khu bên trong bãi tắm có dãy núi nhân tạo, hang động với 1 chiếc đờn kìm lớn. Chủ ý của việc làm này để chỉ vùng đất Bạc Liêu là địa danh gắn liền với nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ cùng với cố soạn giả Cao Văn Lầu rất nổi tiếng với bài “Dạ cổ hoài lang”. Về quy mô thì khu du lịch Nhà Mát không kém cạnh gì các khu du lịch lớn ở Sài Gòn như Suối Tiên, Đầm Sen… Vì thế, nếu Quý khách đi du lịch Bạc Liêu, có thể ghé vào tham quan và vui chơi ở đây.

Nhà Công tử Bạc Liêu

Nhà công tử Bạc Liêu gắn liền với giai thoại các chàng công tử Bạc Liêu nổi tiếng vùng Lục tỉnh Nam Kỳ xa xưa. Ngày nay khu nhà công tử Bạc Liêu đã chuyển thành khách sạn công tử Bạc Liêu. Nếu Quý khách có ý ghé đến nơi này, nên đặt phòng trước khoảng nửa tháng mới có phòng, nhất là phòng của công tử Bạc Liêu thì hầu như lúc nào cũng đắt khách. Đây là nhà của ông Trần Trinh Trạch (thân sinh của Trần Trinh Huy – công tử Bạc Liêu).

Ngôi nhà này do kỹ sư người Pháp thiết kế và xây dựng. Cũng giống như nhà cổ Bình Thủy ở Cần Thơ, nguyên vật liệu xây dựng cho ngôi nhà này được đặt ở Pháp và chở từ Pháp về. Sau khi xem và tham quan nhà công tử Bạc Liêu cùng với những đồ vật trang trí, nội thất trong nhà, Quý khách sẽ hiểu rõ vì sao ngày xưa, những chàng công tử Bạc Liêu có gan “đốt tiền nấu trứng” như nhiều giai thoại thường kể. Nhà công tử Bạc Liêu nằm ở số 31, Điện Biên Phủ, phường 3, thị xã Bạc Liêu.

Phước Đức cổ miếu

Phước Đức cổ miếu là một di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo của người Hoa ở Bạc Liêu. Miếu này tọa lạc ở số 74 đường Điện Biên Phủ, phường 3, thị xã Bạc Liêu. Đây là ngôi miếu lâu đời nhất của người Hoa sống ở Bạc Liêu, được xây dựng vào năm 1810. Trong miếu có bàn thờ chính thờ Ông Bổn – một vị thần được coi là có công khai hoang đất đai và phù trợ cho mọi người sinh cơ lập nghiệp có cuộc sống an lành. Phước Đức cổ miếu còn gọi là chùa Bang, trước đây ngôi miếu này được dựng bằng cây lá đơn sơ và thờ các vị thần như Bổn Đầu Công (ông Bổn), Quan Đế, Thần Nông, Thổ công, ông bà Công Mẫu… trong đó thờ Ông Bổn là chính.

Toàn bộ ngôi miếu là một kiến trúc nghệ thuật qui mô và hoàn mỹ từ đầu kèo, đầu xiên cho đến các linh thú và hoa văn trên các khánh thờ đều được chạm khắc tinh tế. Từng bộ phận trong miếu là một cổ vật có giá trị nghệ thuật cao bởi chúng đã tồn tại trên 100 năm. Phước Đức cổ miếu đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Sân chim Bạc Liêu

Với hệ sinh thái rừng ngập mặn tự nhiên trên diện tích khoảng 385 ha, trong đó có 19 ha rừng nguyên sinh. Riêng sân chim Bạc Liêu là sân chim tự nhiên và hoang dã với khoảng 160 ha diện tích, hơn 40 loài với 60.000 con trong đó có nhiều loài quý như điêng điểng, quắm trắng, quắm đen, còng cọc, vạc, cò ngà, diệc… Sân chim Bạc Liêu hay vườn chim Bạc Liêu nằm trên tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh (Sân Chim – Vườn nhãn – Chùa Xiêm Cán – Biển). Ngoài ra, ở Bạc Liêu còn có nhiều vườn chim tự nhiên nằm rải rác ở các huyện Đông Hải, Giá Rai và Phước Long.

Hệ thống sân chim, vườn chim Bạc Liêu là những điểm du lịch sinh thái ưa thích của du khách trong và ngoài nước. Sân chim Bạc Liêu đã góp phần tạo nên bức tranh thiên nhiên sinh động, phong phú, thu hút du khách đến với Bạc Liêu. Quý khách đi du lịch Bạc Liêu có thể đến tham quan các sân chim Bạc Liêu theo đường đi như sau: cách thị xã Bạc Liêu 6km về hướng Biển, trên con đường Cao Văn Lầu, về phía phải, sang kênh 30 tháng 4, qua một đoạn cầu bê tông là đến vườn chim Bạc Liêu, thuộc địa phận xã Hiệp Thành, thị xã Bạc Liêu.

Nguồn: http://khamphabaclieu.com/nhung-diem-du-lich-bac-lieu-khong-the-bo-qua

Exit mobile version