Góc Yêu Thương

Một số đánh giá về tình hình an ninh lương thực thế giới

Tại kỳ họp hàng năm lần thứ 33 diễn ra tại Rome, Italia vừa qua, Ủy ban an ninh lương thực thế giới (CFS) đã đưa ra một bản đánh giá mới về tình hình an ninh lương thực thế giới. Theo đó, CFS đã nêu ra những phân tích của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) về ảnh hưởng của các nhân tố như giá lương thực, nhu cầu sản xuất năng lượng sinh học, chi phí thức ăn chăn nuôi, giá dầu lửa và sự biến đổi khí hậu đến tình hình an ninh lương thực thế giới.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng, trong số 34 quốc gia hiện đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về lương thực thì có tới hơn một nửa số nước (18) với nguyên nhân chủ yếu là do xung đột, nội chiến. Xung đột và nội chiến đã ảnh hưởng trực tiếp tới sự ổn định của các nguồn cung cấp lương thực, tới sức khoẻ cộng đồng trên quy mô rộng.

Báo cáo đưa ra những xem xét, đánh giá về tình hình an ninh lương thực thế giới hiện nay theo 3 khía cạnh chính của an ninh lượng thực, đó là: tính sẵn có, tính tiếp cận và tính ổn định. Những thách thức, cơ hội đi kèm với trợ cấp lương thực và một số giải pháp hỗ trợ để đảm bảo an ninh lương thực một cách bền vững cũng được đề cập trong báo cáo này. Bối cảnh chung Theo ước tính (FAO) , hiện có khoảng 854 triệu người trên thế giới đang sống trong tình trạng nghèo đói, trong đó có 9 triệu người ở các nước công nghiệp, 25 triệu người ở các nước đang trong thời kỳ quá độ và 820 triệu người ở các nước đang phát triển. Tình trạng trì trệ trong cuộc chiến chống đói nghèo thể hiện rất rõ ở các vùng thuộc châu Á- Đại Tây Dương, Mỹ La tinh – Caribê, biểu hiện cả về số lượng cũng như tỷ lệ số người thiếu đói so với giai đoạn trước đây. Nhìn chung, tốc độ giảm đói nghèo chưa đạt mục tiêu đặt ra đến năm 2015 do Hội nghị thượng đỉnh thế giới về an ninh lương thực tổ chức năm 1996. Đánh giá những chỉ tiêu về an ninh lương thực Sự sẵn có và ổn định của nguồn cung Theo dự kiến của FAO, sản lượng lương thực có hạt (sản lượng lương thực bao gồm lúa gạo, ngô, cao lương, kê, mỳ, mạch…) thế giới năm 2006 là dưới 2 tỷ tấn, giảm 2,7% so với năm trước nhưng vẫn ở mức trên trung bình.

Về cơ cấu, sản lượng lúa mỳ giảm nhiều nhất, sau đó là ngũ cốc thô, trong khi sản lượng lúa gạo chỉ giảm nhẹ. Sản lượng ngũ cốc giảm trong năm 2006 chủ yếu ở những nước sản xuất và xuất khẩu chính. Một số chỉ số FAO sử dụng để đánh giá tình hình an ninh lương thực thế giới Chỉ tiêu đầu tiên là tỷ lệ dự trữ lương thực cuối vụ dành cho tiêu dùng của thế giới trong vụ sau. Tỷ lệ của niên vụ 2006/07 dự kiến giảm còn 19,4% so với gần 23% của vụ trước và vẫn thấp hơn 28% so với đầu thập niên. Chỉ số thứ hai là khả năng đáp ứng nhu cầu nhập khẩu thế giới về lúa mỳ và ngũ cốc thô, nhằm đáp ứng nhu cầu bình thường của thị trường. Chỉ số này phản ánh nguồn cung về lương thực, bằng sản lượng sản xuất cộng dự trữ đầu vụ và nhập khẩu. Chỉ số thứ ba là tỷ lệ dự trữ cuối vụ của các nhà xuất khẩu chính, quy lương thực, trên tổng số tiêu thụ (tiêu dùng nội địa cộng xuất khẩu). Chỉ số thứ tư, một chỉ số quan trọng thể hiện sự biến đổi theo năm của tình hình cung hay sự thay đổi về sản lượng, cho biết quy mô thay đổi trên toàn cầu và đối với tất cả các loại cây lương thực (năm 2006, sản lượng lương thực thế giới giảm 2,7%, thấp hơn 1% so với năm trước). Thực tế cho thấy, nhóm các nước có thu nhập thấp (LIFDC) còn nhiều bất ổn trong thay đổi nguồn cung và mức sản lượng đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình an ninh lương thực thế giới. Nhóm 3 chỉ số đầu dùng để phản ánh tỷ lệ dự trữ và nguồn cung cho xuất khẩu. Theo đó, các chỉ số này cho thấy tình hình chung là thị trường lương thực vẫn trong tình trạng khan hiếm, đặc biệt là khi so sánh với vụ trước.

Trong khi đó, triển vọng có thể sáng sủa hơn ở chỉ số nguồn cung cấp thông qua kết quả sản xuất. Tuy nhiên, trên quy mô quốc tế, giá cả lương thực và những thay đổi của nó được xem là phong vũ biểu tốt nhất cho biết chiều hướng phát triển của quan hệ cung cầu. Khả năng tiếp cận Năm 1990, trên thế giới có hơn 1,2 tỷ người tương ứng với 28% dân số ở các nước đang phát triển sống dưới mức nghèo khổ. Đến năm 2002, tỷ lệ này giảm còn 19%. Nhờ công cuộc xoá đói, giảm nghèo được đẩy mạnh, cho tới nay, bức tranh nghèo đói của thế giới đã có sự khác biệt lớn trên quy mô khu vực.

Hơn 10 năm qua, tỷ lệ nghèo giảm mạnh ở phần lớn các nước châu Á, nơi mà số người có mức sống chưa đầy 1 USD/ngày đã giảm gần 1/4. Nhưng quá trình này diễn ra không mạnh ở Mỹ La tinh và Caribe, hiện nay, tại đây, tỷ lệ người nghèo đói cao hơn so với Đông Á và châu Đại Dương. Tỷ lệ nghèo đói ở Tây Á và Bắc Phi gần như không đổi từ năm 1990 đến 2002 và còn có xu thế tăng ở những nền kinh tế đang trong giai đoạn quá độ ở Đông Nam châu Âu và các nước thuộc khối thịnh vượng chung (CIS). Xu thế giảm đói nghèo trên quy mô toàn cầu thể hiện rõ ở tốc độ tăng trưởng mạnh tại Trung Quốc, Đông Á và Thái Bình Dương. Hơn 20 năm qua, nghèo đói cũng đã giảm ở Nam Á nhưng tốc độ giảm không nhiều. Ngược lại, ở vùng cận sa mạc Sahara, nơi GDP đầu người giảm 14%, tỷ lệ nghèo đói tăng từ 41% năm 1981 lên 46% vào năm 2001 và hiện có thêm khoảng 150 triệu người sống ở mức đói nghèo. Ở các vùng khác có rất ít hoặc không thay đổi. Một đặc điểm chung là phần lớn người nghèo sống ở vùng nông thôn và nghèo đói cũng tập trung tại đây. Vì thế, không có sự suy giảm nghèo đói nào đáng kể nếu không tập trung vào phát triển nông nghiệp và nông thôn. Kinh nghiệm cho thấy, các nước kiểm soát tốt tỷ lệ nghèo đói không chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế tổng thể mà còn đạt được những thành công trong tăng trưởng sản xuất nông nghiệp. Điều này chứng tỏ đầu tư vào nông nghiệp và rộng hơn là kinh tế nông thôn, là điều kiện tiên quyết để thực hiện xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực. Những điểm nóng về đói nghèo Đánh giá mới nhất của FAO cho thấy tình trạng khẩn cấp về lương thực vẫn còn hiện diện ở 34 quốc gia trên toàn thế giới. Con số này đã giảm so với 39 nước theo đánh giá trước của CFS. 26 trong số 34 nước này ở châu Phi, số còn lại chủ yếu ở châu Á và các vùng khác.

Ngoài nguyên nhân do nội chiến hoặc xung đột như đã nói ở trên, ở những nước còn lại, nguyên nhân chính là do yếu tố thời tiết tác động đến sản xuất lương thực. Vấn đề trợ cấp lương thực và an ninh lương thực Hoạt động trợ cấp lương thực đã cứu sống hàng triệu người và giúp cải tiến chất lượng cuộc sống của họ. Tuy nhiên, một số người lo ngại về những ảnh hưởng tiềm năng của trợ cấp lương thực đối với thị trường nội địa, các nhà sản xuất và các nhà kinh doanh lương thực. Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng trợ cấp lương thực làm giảm giá và mất ổn định về giá lương thực ở những nước nhận trợ cấp, nhưng rất ít bằng chứng chỉ ra ảnh hưởng giá này gây ra hậu quả tiêu cực đối với sản xuất và phát triển nông nghiệp nội địa.

Một số trường hợp nghiên cứu cho thấy trợ cấp lương thực làm bất ổn giá trong nước và tác động xấu tới các nhà sản xuất và kinh doanh lương thực khi trợ cấp không đúng thời điểm hoặc không rõ mục tiêu. Khoảng cách giữa chính sách trợ cấp lương thực và an ninh lương thực vẫn còn thể hiện ở nhiều mức. Để thu hẹp khoảng cách này cần: (i) cải tiến việc phân tích tình hình an ninh lương thực để biết bộ phận nào đáp ứng được nhu cầu cơ bản, bộ phận nào phải có sự can thiệp đúng lúc; (ii) kết hợp đánh giá nhu cầu như một phần của quá trình giám sát và đánh giá liên tục hơn là chỉ làm một lần theo yêu cầu; và (iii) hỗ trợ các tổ chức trong nước và khu vực coi an ninh lương thực là một vấn đề mang tính chính sách hàng đầu, cần được tăng cường với sự can thiệp trên quy mô toàn cầu dựa trên việc cải tổ hệ thống cứu tế và trợ cấp lương thực quốc tế. An ninh lương thực và vấn đề phát triển năng lượng sinh học Nghiên cứu các nguồn năng lượng khác đang càng trở nên cấp thiết do giá dầu lửa tăng cao, mất an ninh năng lượng và sự thay đổi khí hậu toàn cầu. Với khía cạnh phân tích liên quan tới an ninh lương thực, có 3 loại năng lượng sinh học chính (i) năng lượng sinh khối truyền thống đốt cháy trực tiếp phục vụ nấu nướng và sưởi ấm; (ii) những công nghệ dựa vào năng lượng sinh khối hiện đại tạo ra điện; và (iii) khí đốt lỏng như ethanol và dầu điêzen sinh học sử dụng đầu tiên trong ngành vận tải . Việc mở rộng ngành năng lượng sinh học có thể ảnh hưởng tới an ninh lương thực ở cấp độ hộ và quốc gia thông qua từng yếu tố. Liệu những ảnh hưởng này được coi là tích cực hay tiêu cực đối với an ninh lương thực? Điều đó tuỳ thuộc vào công nghệ sử dụng. Năng lượng sinh học vừa tạo ra cơ hội vừa mang lại nguy cơ cho mỗi một yếu tố cấu thành nên an ninh lương thực: sự sẵn có, khả năng tiếp cận, sự ổn định và khả năng sử dụng. Chẳng hạn, nguồn cung lương thực đầy đủ có thể bị đe doạ bởi sản xuất năng lượng sinh học nếu đất đai và các nguồn tài nguyên sản xuất khác bị chuyển đổi, không dành cho trồng cây lương thực. Khả năng tiếp cận chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi giá cả và thu nhập. Nếu sản xuất năng lượng sinh học đẩy giá hàng hoá lên cao, khả năng tiếp cận có thể vẫn được dàn xếp ổn thoả đối với những người chỉ mua lương thực đơn thuần có thu nhập thấp ít nhất là trong ngắn hạn. Nói cách khác, giá hàng hoá cao hơn có nghĩa là thu nhập cao hơn cho người sản xuất với ý nghĩa tác động tích cực tới khả năng tiếp cận lương thực của họ. Tuy nhiên, tăng sản xuất những cây trồng phục vụ cho năng lượng sinh học trên quy mô lớn có thể sẽ dẫn tới những rủi ro gia tăng về môi trường và an ninh lương thực lâu dài. Ảnh hưởng môi trường của nhiên liệu sinh học cũng rất khác nhau, tuỳ thuộc vào nguồn lực cần cho sản xuất và những chất phát ra từ quá trình sản xuất và sử dụng nhiên liệu. Năng lượng sinh học có thể ảnh hưởng tới yếu tố sử dụng của an ninh lương thực nhưng ít ảnh hưởng trực tiếp hơn so với những khía cạnh khác. Chẳng hạn, một số hệ thống sản xuất năng lượng sinh học đòi hỏi sử dụng khối lượng nước đáng kể cho cả quá trình sản xuất nguyên liệu lẫn chuyển hoá thành nhiên liệu sinh học.

Điều này sẽ khiến cho sự sẵn có của nguồn nước giảm, đe doạ tới tình hình sức khoẻ và vì thế ảnh hưởng tới an ninh lương thực. Song, nếu năng lượng sinh học hiện đại thay thế nhiều nguồn nhiên liệu đang gây ô nhiễm hoặc mở rộng sự sẵn có của các nguồn năng lượng cung cấp cho vùng nông thôn nghèo, người dân có thể nấu nướng, sử dụng công cụ sản xuất vừa sạch, vừa rẻ hơn thì lại mang ý nghĩa tích cực cho sức khoẻ và sử dụng lương thực. Tóm lại: Theo đánh giá của CFS, số nước trên thế giới đang phải đối diện với tình trạng khẩn cấp về lương thực và cần trợ cấp đã giảm.

Mặc dù có sự chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn mối lo ngại lớn về khoảng cách chính sách tồn tại giữa đối phó với phát triển và giảm nhẹ mất an ninh lương thực ở các cấp khác nhau. Vì thế, chính phủ các nước tiếp nhận lương thực và các tổ chức tài trợ cần: + Cải tiến phương pháp phân tích và đánh giá về an ninh lương thực để hỗ trợ cho hoạt động xây dựng chính sách và phát triển, thực hiện các chương trình thiết thực hơn. + Kết hợp giữa phân tích lựa chọn với đánh giá nhu cầu của quốc gia. + Tăng cường nhận thức đối với các tổ chức, quốc gia và khu vực đối với vấn đề an ninh lương thực kể cả ngắn và dài hạn luôn được ưu tiên hàng đầu trong các chương trình nghị sự. + Năng lượng sinh học vừa đem lại cơ hội lẫn nguy cơ cho an ninh lương thực. Mức độ ảnh hưởng là rất khác biệt về thời gian và không gian, tuỳ vào sự thay đổi của các nguồn lực và sự phát triển của công nghệ, đồng thời chịu ảnh hưởng của những lựa chọn chính sách ở cấp quốc gia và quốc tế. Do đó cần phải phát triển một khung phân tích để xem xét kỹ hơn tính đa dạng phức tạp của tình hình và nhu cầu riêng của các nước.

>>> BIẾN ĐỔI GEN – 10 CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ SINH VẬT BIẾN ĐỔI GEN

Exit mobile version