(Bảo vệ thực vật) Lá hình tim, to, rộng, đầu lá có mũi nhọn và lông ở mặt dưới… là những điểm khác biệt của hoa cẩm cù bon vừa được tìm thấy ở Hải Phòng sau hơn 100 năm so với các loài cùng chi khác.
Trước nhiều ý kiến cho rằng loài cẩm cù được tìm thấy ở Vườn quốc gia Cát Bà (TP Hải Phòng) sau hơn 100 năm không hiếm, nhà nghiên cứu Phạm Văn Thế khẳng định: “Nhìn bề ngoài cầm cù bon tương đồng với các loài khác như cẩm cù nấm, cẩm cù hoya carnosa đang trồng ở nhiều địa phương, nhưng thực chất chúng có nhiều điểm khác biệt”.
Cẩm cù thuộc chi hoya (có nơi gọi là hoa sao, lan sao, hồ da, tù cù, phân họ thiên lý (Asclepiadadoideae), họ trúc đào (Apocynaceae). Trên thế giới khoảng 300 tên loài được chấp nhận, nhưng hơn 500 tên được công bố. Còn Việt Nam có gần 30 loài cẩm cù tự nhiên.
Các loài cẩm cù có đặc điểm chung là dây leo thường bám đá hoặc bám cây, hiếm khi mọc trên đất, nhựa mủ màu trắng, dịch nhựa trong suốt, hoặc màu vàng. Hoa 5 cánh, mặt trong thường có lông và tràng phụ (corona) cũng 5 cánh như ngôi sao. Hoa màu đa dạng như trắng, vàng, hồng, hoặc xanh nhạt…
Loài cẩm cù bon (hoya bonii) được nhà thực vật người Pháp Costantin thu mẫu lần đầu tiên tại núi Vo Xa, miền Bắc Việt Nam vào năm 1884. Chúng thường bị nhầm lẫn với loài cẩm cù lý hương sao (hoya carnosa (L.f.) R.Br.) và cẩm cù nấm (hoya fungii Merr.) về dạng hoa, màu hoa trắng tâm hơi đỏ.
Tuy nhiên, cẩm cù bon khác biệt ở điểm lá hình tim, to và rộng, đầu lá có mũi nhọn. Lá còn có lông ở mặt dưới và mép, gân phụ lá xiên chéo so với gân chính 60 độ. Trong khi đó cẩm cù nấm lá không có hình tim ở gốc, gân phụ xiên 45 độ so với gân chính, gân nhìn rõ ở hai mặt. Còn lá cẩm cù hoya carnosa hình elip thuôn dài, không có lông, gân phụ thường xiên chếch 30-45 độ so với gân chính.
Ngoài ra, thân lá của cẩm cù bon có dịch nhựa màu vàng, còn loài khác có dịch nhựa trong.