Tuesday, March 19, 2024
HomeAn Ninh Lương ThựcViệt Nam dự Hội nghị FAO lần thứ 33 khu vực châu...

Việt Nam dự Hội nghị FAO lần thứ 33 khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Ngày 10/3, Hội nghị lần thứ 33 của Tổ chức Lương – Nông Liên hợp quốc (FAO) khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Putrajaya của Malaysia nhằm tăng cường an ninh lương thực, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp bền vững.

Việt Nam dự Hội nghị FAO lần thứ 33 khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Ảnh minh họa – TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, tham dự Hội nghị có các bộ trưởng, quan chức cao cấp và hàng trăm đại biểu, chuyên gia đến từ 46 quốc gia. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh dẫn đầu.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi nhấn mạnh an ninh lương thực cũng quan trọng như an ninh quốc gia, đồng thời nêu ra ba biện pháp để đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm kích thích đầu tư tư nhân vào nông nghiệp, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu với phát triển nông nghiệp bền vững, và xóa đói giảm nghèo bằng cách sử dụng đa dạng sinh học.

Tổng Giám đốc FAO José Graziano da Silva cho biết hội nghị lần này phản ánh mối quan tâm chung làm thế nào để giải quyết thách thức trong tương lai hướng tới mục tiêu chấm dứt tình trạng đói nghèo trong 15 năm tới theo Chương trình nghị sự Phát triển bền vững 2030.

Theo ông Silva, mặc dù khu vực châu Á – Thái Bình Dương thành công trong việc giảm tỷ lệ đói nghèo và suy dinh dưỡng, nhưng còn rất nhiều việc phải làm để giải quyết các vấn đề này như số người trong nhóm đói nghèo tầng đáy còn cao, tỷ lệ thừa cân và tiểu đường cũng ngày càng gia tăng. Thêm vào đó, khu vực cũng phải giải quyết ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với an ninh lương thực bởi châu Á – Thái Bình Dương là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thiên tai.

Trong hai ngày, các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề liên quan đến an ninh lương thực, dinh dưỡng, thu nhập của người nông dân, chuỗi giá trị nông nghiệp, biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp bền vững. Các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm trong xóa đói giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tới nông nghiệp.

Trong bài tham luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết phát triển nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực là cơ sở quan trọng đối với trật tự xã hội và chính trị, làm cơ sở cho sự phát triển kinh tế-xã hội ở mỗi nước. Việt Nam đã đạt được an ninh lương thực ở cấp quốc gia nhưng ở cấp độ hộ gia đình vẫn đang phải đối mặt với thách thức.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết tháng 6/2013, Chính phủ Việt Nam đã triển khai Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2011-2020, với mục tiêu hướng tới giá trị gia tăng nhiều hơn, phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, trong đó các giải pháp chủ yếu là thúc đẩy ứng dụng đổi mới khoa học và tái cơ cấu hệ thống sản xuất theo hướng cải thiện các mối liên kết trong chuỗi giá trị. Việt Nam mong muốn FAO tiếp tục hỗ trợ trong việc xác định các mô hình tốt về mối liên kết với nông dân và thúc đẩy doanh nghiệp, khu vực tư nhân tham gia vào quá trình này. Việt Nam cũng sẵn sàng tiếp tục hợp tác với FAO và các nước thành viên khác để đảm bảo an ninh lương thực và đạt được mục tiêu 1 và 2 của Các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) bằng cách tham gia với FAO và những đối tác phát triển để thực hiện các chương trình hợp tác Nam-Nam trong khu vực và chia sẻ kinh nghiệm với các nước bằng việc cử các chuyên gia nông nghiệp, đưa vào sử dụng hạt giống mới đã được cải thiện và vật liệu trồng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp ở một số nước ở châu Phi, Mỹ Latinh và châu Á.

Trước đó, từ ngày 7-9/3, Hội nghị các quan chức cao cấp về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu cũng diễn ra tại Putrajaya.

Theo: https://anninhluongthuc.com/viet-nam-du-hoi-nghi-fao-lan-thu-33-khu-vuc-chau-thai-binh-duong/

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here