Friday, March 29, 2024
HomeGóc trái timPhát triển nông nghiệp bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc...

Phát triển nông nghiệp bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế

Phát triển nông nghiệp bền vững là xu thế chung mà toàn nhân loại đang nỗ lực hướng tới, là mục tiêu chiến lược mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đang quyết tâm thực hiện. Trong những năm qua, đặc biệt từ sau khi có Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nền nông nghiệp nước ta đã đạt được thành tựu khá toàn diện và to lớn…

Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, biện pháp phát triển nhanh các ngành kinh tế, trong đó có phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp đang dần tăng cao liên tục trong nhiều năm. Phát triển nông nghiệp đã đi liền với việc khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, gắn với giải quyết các vấn đề xã hội như việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia; một số mặt hàng xuất khẩu chiếm vị thế cao trên thị trường thế giới. Nông nghiệp có bước phát triển mới, kinh tế-xã hội được tăng cường; bộ mặt nhiều vùng nông thôn thay đổi. Đời sống vật chất và tinh thần của dân cư ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện, tỷ lệ nghèo nông thôn giảm nhanh.

Phát triển nông nghiệp bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế - 1

Tuy nhiên, nông nghiệp nước ta phát triển còn kém bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cách thức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ phân tán; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng nhiều mặt hàng thấp, cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn còn chuyển dịch chậm. Nông nghiệp và nông thôn phát triển thiếu quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội còn yếu kém, môi trường ngày càng ô nhiễm; năng lực thích ứng, đối phó với thiên tai còn nhiều hạn chế. Đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận người dân nông thôn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo giảm chưa bền vững, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Từ thực trạng phát triển nông nghiệp ở nước ta cho thấy, còn nhiều vấn đề bất cập cần phải giải quyết; làm thế nào để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững ở nước ta là câu hỏi lớn cần phải trả lời. Chính vì vậy, nông nghiệp, nông thôn, nông dân đang rất cần những động lực mới để tăng trưởng, tạo ra đột phá mới. Nhận thức rõ vai trò quan trọng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “Trong 5 năm tới, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển nhanh, bền vững”.

Như vậy, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững theo tinh thần Đại hội XII chính là quá trình nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giải quyết tốt các vấn đề xã hội gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, nhằm thỏa mãn các nhu cầu về lương thực, thực phẩm, nguyên liệu cho sản xuất của xã hội, cả trong hiện tại và tương lai.

Mục đích phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững được Đại hội XII xác định là kiến tạo một nền sản xuất nông nghiệp bền vững cả về mặt lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất gắn với bảo vệ môi trường; có tốc độ tăng trưởng, năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng cao một cách vững chắc; có mô hình sản xuất kinh doanh bền vững, đáp ứng ổn định lương thực, thực phẩm, nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng trong nước, xuất khẩu cả trước mắt và lâu dài.

Đối tượng của phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững là toàn bộ cấu trúc của ngành nông nghiệp theo nghĩa rộng là nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp. Nội dung phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững mà Đại hội XII đưa ra bao gồm các vấn đề cơ bản như:

Một là, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững. Đây là quá trình chuyển dịch hợp lý, phù hợp với điều kiện của vùng, phát huy được lợi thế so sánh, bảo đảm nền nông nghiệp tăng trưởng nhanh và ổn định trong thời gian dài. Trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch bền vững không làm ảnh hưởng tới các yếu tố môi trường và xã hội và đạt được hiệu quả nâng cao đời sống nhân dân nói chung.

Hai là, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Đây là quá trình bảo đảm tăng trưởng ổn định lâu dài, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tăng năng suất lao động, gia tăng giá trị và chất lượng sản phẩm, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế của quốc gia. Đánh giá hiệu quả tăng trưởng nông nghiệp theo hướng bền vững cần hướng tới phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của thị trường, năng suất phải luôn đồng hành với chất lượng nông sản, trước hết là bảo đảm tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm nông nghiệp phải đa dạng, giá cả hợp lý, có sức cạnh tranh cao.

Ba là, tăng trưởng nông nghiệp toàn diện gắn với bảo đảm công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững là làm cho cuộc sống ngày càng tốt hơn. Vì vậy, quá trình phát triển cần gắn liền với các yếu tố xã hội như: Giải quyết việc làm, sử dụng lao động hợp lý, có chính sách gia tăng sản lượng và giải quyết việc làm cho khu vực nông thôn. Gắn mục tiêu tăng trưởng kinh tế nông nghiệp với mục tiêu tạo việc làm cho người dân và tăng năng suất lao động. Giảm khoảng cách giàu nghèo, ổn định xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Bốn là, tăng trưởng nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường bền vững. Quá trình tăng trưởng nông nghiệp cần phải có một môi trường bền vững để con người và muôn loài tồn tại lâu dài. Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững về môi trường là giảm thiểu tác hại ô nhiễm môi trường do quá trình sản xuất nông nghiệp gây ra. Có kế hoạch khai thác, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên, duy trì độ màu mỡ của đất, giảm thiểu ô nhiễm không khí và nguồn nước.

Tính bền vững của hệ thống sản xuất nông nghiệp là kết quả của sự kết hợp hài hòa các nội dung nói trên. Nếu một yếu tố nào đó gây tác động tiêu cực hoặc giữa chúng phát sinh những tác động ngược chiều nhau thì toàn bộ hệ thống bị ảnh hưởng. Phương thức phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững là sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, chuyển từ khai thác tài nguyên thiên nhiên, đến phát triển “bảo dưỡng”, tiến tới làm phong phú thêm thiên nhiên. Từ việc lấy hàng hóa nông sản làm trung tâm, chuyển sang lấy con người làm chủ thể phát triển là trung tâm. Từ phương thức phát triển chủ yếu gia tăng sản lượng và giá trị đến phương thức phát triển cần đồng thời đạt được các mục tiêu về cả kinh tế, môi trường và xã hội. Trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ gien, công nghệ sinh học, bảo vệ các loài thiên địch. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế vùng, miền, nâng cao năng suất và giá trị lao động trong nông nghiệp, gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bảo vệ môi trường bền vững.

Để thực hiện tốt những vấn đề nêu trên, cần đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; đồng thời, phải tạo sự đột phá về tổ chức và quản lý quy hoạch cùng với hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách để thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Việc ứng dụng khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư và trợ giúp kỹ thuật, công nghệ cho các tiểu ngành có giá trị gia tăng cao trong nông nghiệp để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu lao động đáp ứng tốt yêu cầu của một nền nông nghiệp hiện đại và hiệu quả.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here